Một chiếc đồng hồ cơ cao cấp được chế tạo để có đủ khả năng phục vụ tốt trong suốt cuộc đời, và nếu được bảo dưỡng cẩn thận, chúng có thể tồn tại lâu hơn nữa. Hư hỏng thông thường đến từ hao mòn hàng ngày, đó là lý do tại sao nên bảo dưỡng đồng hồ sau mỗi 3-5 năm. Mặc dù những chiếc đồng hồ cơ đến từ các thương hiệu danh tiếng và có uy tín đã được thiết kế tốt để giảm bớt những tác động có thể khiến nó hư hỏng, nhưng không có nghĩa là nó sẽ luôn ở trạng thái tốt nhất để phục vụ cho bạn mãi mãi mà không cần bạn phải đầu tư bất cứ điều gì cho nó. Thậm chí nếu bạn quá vô tâm với chiếc đồng hồ của mình, bạn sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ để sửa chữa.
Thế nên đừng ỷ lại vào chiếc đồng hồ của mình quá nhiều mà không quan tâm gì đến chúng. Một trong những cách để kéo dài tuổi thọ của đồng hồ hiệu quả nhất là việc chăm sóc nó bằng chính đôi tay của bạn trong những ngày thường nhật, chứ không phải đợi đến một lúc nào đó nó xảy ra vấn đề, bạn mới đưa nó đến trung tâm bảo dưỡng. Có câu phòng bệnh hơn chữa bệnh mà, đúng chứ?
Trong đề tài ngày hôm nay của Luxshopping Care, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nguyên nhân hàng ngày có thể làm hư hỏng chiếc đồng hồ yêu thích của bạn.
NHỮNG THÓI QUEN HÀNG NGÀY CÓ THỂ LÀM HỎNG ĐỒNG HỒ CƠ
1. LÀM RƠI ĐỒNG HỒ
Một trong những cách dễ nhất và cũng có thể phổ biến nhất để làm hỏng chiếc đồng hồ của bạn là đánh rơi nó. Thiệt hại có thể đến từ bất cứ khoảng cách nào, tùy thuộc vào bề mặt hạ cánh và cách mà đồng hồ rơi. Bất cứ khi nào đồng hồ đập vào bề mặt cứng, nó có khả năng gây ra thiệt hại, điều này bao gồm khi nó bị mòn và va chạm với một vật cứng nào đó.
Để tránh làm rơi đồng hồ, hãy cẩn thận khi tháo nó ra khỏi cổ tay. Nếu bạn có kế hoạch đeo đồng hồ khi đi gym hay làm những việc có khả năng sẽ tiếp xúc với bề mặt cứng, có thể cân nhắc tháo nó ra trước.
2. CẤT GIỮ ĐỒNG HỒ KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Không phải tự nhiên mà những chiếc hộp đồng hồ cao cấp là một thú vui khác của những nhà sưu tập hay những người sành đồng hồ. Bảo quản đồng hồ đúng cách cũng có thể giúp giữ cho đồng hồ chạy đúng và tránh hư hỏng. Giữ đồng hồ ở nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể gây ra thiệt hại cho bộ máy chuyển động và gioăng núm. Nhiệt độ không phù hợp có thể khiến các bộ phận bị giãn ra hoặc co lại, khiến hơi nước có thể đi vào mặt số và bộ máy, gây ra những hư hỏng không nhất định. Ngoài ra, nó có thể làm khô chất bôi trơn (dầu máy), hoặc khiến đồng hồ bị tắc nghẽn, tạo ra ma sát trên bánh răng khiến hệ thống bánh răng rất nhanh bị mòn.
Giữ cho đồng hồ của bạn trong môi trường nhiệt độ phòng, hay thay đổi dần các tình huống môi trường khắc nghiệt là một ý tưởng tốt. Nếu bạn buộc phải đồng hành cùng chiếc đồng hồ của mình ở những môi trường có nhiệt độ không mấy thân thiện, hãy chắc chắn rằng nó đã được bảo dưỡng đúng cách để đảm bảo gioăng vẫn còn kín.
3. CHỈNH GIỜ & CÀI ĐẶT ĐỒNG HỒ SAI CÁCH
Chỉnh giờ, chỉnh lịch hoặc cài đặt các chức năng đồng hồ sai cách cũng có thể gây ra thiệt hại cho bộ máy và đặc biệt là bánh răng. Chỉnh lịch đồng hồ (lịch day/date, lịch tháng, moonphase,…) trong khoảng thời gian từ 9h tối đến 3h sáng có thể gây hư hỏng cơ chế, vì trong thời gian này, các bánh răng đang khớp vào nhau và cùng nhau di chuyển để sang ngày mới. Thế nên nếu bạn tác động đến sự vận hành vốn dĩ đang rất nhịp nhàng này, bạn sẽ vô tình khiến chiếc đồng hồ của mình giảm tuổi thọ hoặc thậm chí hư hỏng ngay sau đó.
Và nếu lịch ngày bị căn chỉnh sai, bạn có thể thấy cửa sổ ngày trôi qua sớm hơn hoặc thậm chí muộn hơn nửa đêm thay vì khi đồng hồ điểm 12 giờ sáng, lịch ngày sẽ nhảy. Thông thường, việc đưa kim giờ xuống nửa dưới mặt số khi chỉnh lịch sẽ tránh được khu vực nguy hiểm. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về cách chỉnh lịch thứ/ngày cho đồng hồ cơ TẠI ĐÂY.
Không chỉ dừng lại ở việc chỉnh lịch, việc điều chỉnh bất cứ biến chứng nào của đồng hồ không đúng cách đều có thể gây ra thiệt hại cho bộ máy. Ngoài ra, ở hầu hết những chiếc đồng hồ cơ, việc chỉnh giờ lùi (vặn ngược núm vương miện) có thể làm hỏng dây cót.
4. LÊN DÂY CÓT KHI ĐỒNG HỒ CÒN TRÊN CỔ TAY
Mặc dù có vẻ dễ dàng và thuận tiện, nhưng lên dây cót hoặc chỉnh giờ đồng hồ khi bạn đang đeo nó trên tay có thể gây ra những thiệt hại nhất định. Đeo đồng hồ khi đang lên dây cót có thể khiến bạn vô tình kéo núm vương miện ra (làm thay đổi giờ hoặc tính năng khác), cũng có thể khiến bạn lên dây cót quá tay. Bên cạnh đó, góc mà bạn tác động đến núm vương miện có thể gây căng thẳng cho cơ chế.
Tháo đồng hồ ra trước khi lên dây cót cho phép bạn cảm thấy một lực cản nhẹ (chứng tỏ dây cót đã căn đầy) và tác động đến núm vương miện đúng góc. Hầu hết đồng hồ đều có một số kháng cự dễ nhận biết khi dây cót đã “no nê”. Trong các model hiện đại hơn, một số dây cót có tích hợp tính năng cho phép bạn liên tục cuộn dây cót mà không gây tổn thương đến bộ máy. Về điều này thì bạn nên kiểm tra thông tin đồng hồ trước hoặc nhờ tư vấn viên tại địa điểm mua hỗ trợ cho bạn.
» Tham khảo thêm: Hướng Dẫn Tự Bảo Dưỡng Và Lên Dây Cót Đúng Cách Cho Đồng Hồ Cơ
5. VẶN REN VƯƠNG MIỆN KHÔNG NGAY NGẮN
Nghe có vẻ lạ, nhưng đây lại là sự thật. Một cách khác để làm hỏng núm vương miện ngoài việc kéo nó ra sai góc độ, là khi bạn vặn nó trở về. Nếu không có gì ngoại lệ xảy ra thì vấn đề ngày chỉ gặp phải khi đồng hồ của bạn có núm screw-down crown (núm vặn kháng nước) – một loại núm vương miện đặc thù có tính chịu nước khá tốt, xuất hiện trong những mẫu đồng hồ lặn, đồng hồ thể thao hay đồng hồ công cụ chuyên dụng. Tất nhiên, nói như thế có nghĩa là không phải tất cả đồng hồ đều có núm screw-down, nhưng nếu bạn sở hữu một chiếc như thế, hãy thận trọng khi đóng nó lại. Bởi núm screw-down có thể bị kẹt và gây ra tổn thương vĩnh viễn cho cơ chế.
Núm kháng nước chỉ cần lệch một chút khỏi vị trí đều có thể cho phép nước đi vào bộ máy và mặt số. Để tránh trường hợp này cũng như làm kẹt núm vương miện, hãy dành thời gian của bạn để cẩn thận vặn lại và tránh dùng lực quá nhiều. Screw-down crown thường xoay 1,5 lượt và có thể lên đến 3 lượt để vừa đủ kín. Hãy cẩn thận với việc vặn núm kháng nước quá chặt, nó cũng có thể khiến bạn không tháo ra được!
6. SỬ DỤNG CHRONOGRAPH DƯỚI NƯỚC
Sử dụng tính năng bấm giờ (chronograph) dưới nước có thể khiến nước xâm nhập vào vỏ máy. Muốn đo thời gian dưới nước nên sử dụng viền xoay đơn hướng, không nên sử dụng chronograph. Việc bấm các nút chronograph dưới nước có thể gây nguy hại cho sự niêm phong vỏ máy. Nước xâm nhập có thể gây rỉ sét và mặt số cũng có thể bị hỏng hay bị rỉ hoặc biến màu.
7. SỬ DỤNG LOẠN CÁC NÚT BẤM
Cùng với việc điều chỉnh và sử dụng núm vương miện đúng cách, bạn cũng cần phải đảm bảo rằng bạn đủ hiểu biết về chiếc đồng hồ của mình: hiểu về các tính năng và hiểu về cách sử dụng các nút bấm của đồng hồ. Trường hợp này xảy ra khi bạn sở hữu những chiếc đồng hồ phức tạp với các tính năng cao cấp, bao gồm cả lịch vạn niên và hàng năm.
Nếu bạn sử dụng loạn các nút bấm của đồng hồ, các đĩa tính năng bên trong bộ máy dễ dàng bị kẹt. Khi một biến chứng bị kẹt, các bánh xe khác trong hệ thống có thể bị vỡ hoặc biến chứng không chạy đúng nữa.
Điều tốt nhất vẫn là dành thời gian để nghiên cứu cách sử dụng chiếc đồng hồ của mình. Đặc biệt là các dòng đồng hồ phức tạp được bán kèm với một vài công cụ điều chỉnh lẻ tẻ như bút điều chỉnh hay kim bấm gì đấy. Nếu bạn không đủ tự tin để sử dụng chúng, hãy đến các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa đồng hồ uy tín để được các chuyên gia tư vấn cụ thể.
8. ĐỂ ĐỒNG HỒ TIẾP XÚC VỚI TỪ TRƯỜNG
Từ trường có thể coi là một sát thủ vô tình có thể giết chết chiếc đồng hồ của bạn. Bộ thoát bị nhiễm từ có thể dao động một cách bất thường, thậm chí có thể bị nhiễu loạn liên tục. Nếu bạn không biết bộ thoát là gì, bạn có thể hiểu nôm na rằng nó chính là thứ sẽ kiểm soát tốc độ bung của dây cót đồng hồ và giữ cho đồng hồ của bạn chạy đúng giờ.
Nếu không có ảnh hưởng của môi trường, bánh xe cân bằng trong bộ thoát dường như có thể dao động vĩnh viễn và chiếc đồng hồ của bạn sẽ chẳng bao giờ có sai số. Tuy nhiên, đây là thực tế, thế nên những tác động bên ngoài có thể khiến nó không hoạt động trong môi trường lý tưởng. Một trong những tác động bên ngoài lớn nhất chính là từ trường, và cũng là yếu tố khiến các nhà sản xuất đồng hồ phải đau đầu trong một thời gian dài.
Hiện tại, rất nhiều nhà sản xuất đồng hồ áp dụng công nghệ mới để giảm bớt tác động của từ trường lên đồng hồ cơ, tiêu biểu như dây tóc silicon – một bộ phận quan trọng cấu thành lên bánh xe cân bằng trong bộ thoát. Nhưng vẫn chưa đủ, chiếc đồng hồ cơ của bạn vẫn cần chính bạn phải trân trọng. Thế nên tránh đặt đồng hồ trên radio, loa và các thiết bị điện tử như điện thoại di động và máy tính bảng các thứ.
Có lẽ ở một đề tài khác thú vị hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về độ chống từ trường của đồng hồ chẳng hạn.
HÃY CHĂM SÓC CHIẾC ĐỒNG HỒ CỦA BẠN!
Đồng hồ xa xỉ là một khoản đầu tư không mấy khiêm tốn, việc bỏ những thói quen kể trên có thể giữ cho đồng hồ chạy trơn tru và giảm bớt những chi phí không đáng có cho việc sửa chữa. Mặc dù tất cả các đồng hồ cơ đều cần có một chuyến “đại tu bổ” cứ sau vài năm phục vụ, nhưng bảo dưỡng tốt sẽ đỡ phần nào tốn kém cũng như tăng tuổi thọ cho nó.
À! Đừng quên một chiếc hộp đồng hồ tốt hoặc một nơi an toàn khi bạn không đeo nó. Đặc biệt nếu bạn sử dụng đồng hồ automatic, nhưng không phải lúc nào cũng đeo nó trên tay, hãy mua một chiếc hộp chuyên dụng để nạp cót tự nhiên cho đồng hồ. Đó cũng là một thói quen tốt.
Luxshopping Care