Không phải tất cả những gì bạn biết về đồng hồ lặn đều là đúng đắn, đôi khi chỉ là một cách để marketing. Hãy khám phá sự thật về đồng hồ lặn.
Có thể không có bất cứ loại đồng hồ nào dễ gây hiểu lầm bằng đồng hồ lặn, điều này nghe có vẻ kỳ khôi vì dù sao thì nó cũng là một trong những loại đồng hồ thể thao phổ biến nhất. Đồng hồ lặn được yêu thích bởi độ chắn chắn, vẻ ngoài thể thao năng động và khả năng khiến người đeo trông “ngầu” như James Bond hay Dirk Pitt, và vì thế mà đồng hồ lặn thường sẽ thu hút được sự quan tâm của phái mạnh nhiều hơn.
Phần lớn nhận thức về đồng hồ lặn có thể đến từ những hình ảnh và bản sao cường điệu trong hoạt động quảng cáo, marketing của các hãng đồng hồ ngày nay – xuất hiện trên cổ tay của một người thợ lặn trong chuyến thám hiểm đại dương của anh ấy, và chậm rãi trồi lên mặt nước từ độ sâu 2000 mét ấn tượng chẳng hạn. Nhưng thực tế thì đồng hồ lặn khác nhiều so với những gì mà nhiều người đang tin tưởng. Và khi những chiếc đồng hồ lặn hiện đại càng ít được sử dụng cho mục đích ban đầu của chúng, thì những câu chuyện hoang đường ngày càng phổ biến hơn.
Dưới đây là một vài ngộ nhận thường thấy nhất về đồng hồ lặn và thực tế phía sau chúng.
Vòng Bezel không giúp bạn theo dõi lượng oxy còn lại
Theo một tuyên bố về đồng hồ lặn cách đây 4 năm mà chúng tôi đã trích nguyên văn từ một thông cáo truyền thông:
“Vòng bezel xoay của đồng hồ lặn giúp bạn theo dõi lượng oxy bạn còn lại.”
Có một lỗ hổng trong tuyên bố này và bạn không nhất thiết phải là một người thợ lặn chân chính để biết điều đó.
Trước hết, vòng bezel xoay mặc dù linh hoạt nhưng khá ngớ ngẩn. Nó có một công dụng khá đơn giản: theo dõi thời gian, lên đến một giờ. Bạn có thể nhìn chằm chằm vào khung bezel của mình khi lặn mà vẫn có thể hút cạn bình không khí nếu không kiểm tra đồng hồ đo áp suất chìm của mình thường xuyên. Thực tế, bạn có thể ước tính lượng không khí còn lại nếu bạn biết tỷ lệ tiêu thụ không khí của mình là bao nhiêu – tức là bạn hít thở bao nhiêu lần trong một khoảng thời gian nhất định. Dù nghe có vẻ phiền toái, nhưng điều đó hữu ích khi lập kế hoạch lặn, còn hơn là bạn trông cậy vào một chiếc đồng hồ lặn thay vì chiếc đồng hồ đo áp suất của mình.
Viền bezel lặn có thể được sử dụng với nhiều mục đích, nhưng chắc chắn không phải để theo dõi lượng oxy còn lại.
Một điều sai lầm khác trong tuyên bố này là việc sử dụng từ “oxy”, nó hầu như bị lạm dụng quá thường xuyên khi nhắc đến những gì liên quan đến bơi lặn nói chung. Hầu hết các thợ lặn giải trí (khác với thợ lặn chuyên nghiệp) đều hít thở không khí nén – với 21% oxy, 79% nitơ và một lượng nhỏ khí khác, nhưng hít thở oxy tinh khiết dưới độ sâu 20 feet của nước là độc hại và có thể gây co giật, dẫn đến nguy cơ chết đuối.
Một khung bezel lặn có thể được sử dụng cho nhiều việc: quy định thời gian lặn tối đa, các điểm dừng để giải nén, khoảng cách bơi và khoảng thời thời gian trở lên mặt nước. Nhưng cho đến khi những nhà sản xuất đồng hồ tìm được cách để kẹp một chiếc đồng hồ áp suất bên trong vỏ máy, thì chiếc đồng hồ lặn của bạn sẽ không bao giờ cho bạn biết số lượng không khí (hoặc oxy) còn lại của bạn.
MẶT SỐ MÀU CAM (HOẶC MÀU SÁNG) KHÔNG GIÚP TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG DỄ ĐỌC CỦA ĐỒNG HỒ LẶN
Màu sắc mặt số tươi sáng đã trở thành một trong trong những yếu tố mà một số ít người đam mê đồng hồ lặn sẽ theo đuổi. Xu hướng này bắt đầu từ năm 1967 và được khơi dậy bởi thương hiệu Doxa. Theo truyền thuyết, Urs Eschle – nhà thiết kế của Doxa SUB 300 nổi tiếng hiện nay, đã quyết định thử nghiệm nhiều màu sắc mặt số khác nhau trong hồ Neuchatel âm u và nhận thấy rằng màu cam là tốt nhất cho khả năng hiển thị dưới nước. Sau đó, màu cam đã làm cho đồng hồ lặn Doxa trở thành một biểu tượng và được tìm thấy trên vô số mặt số đồng hồ lặn khác từ Breitling đến Seiko, tuy nhiên, nó không phải tốt nhất.
Mặt số màu cam khiến đồng hồ lặn Doxa trở nên nổi tiếng nhưng nó nhanh chóng mờ đi khi ở độ sâu, trừ khi được chiếu sáng bằng ánh sáng nhân tạo, như trong bức ảnh này.
Nước hấp thụ lần lượt các màu của quang phổ ánh sáng khi một thợ lặn xuống sâu hơn. Màu đỏ có xu hướng biến mất đầu tiên ở độ cao chỉ 15 feet, sau đó là cam, v.v. Các màu này chỉ đơn giản là chuyển sang màu xám mờ, trừ khi chúng phát quang. Nếu xét trong lập luận khoa học này, màu vàng và màu xanh lam sẽ là những màu có thể thấy được lâu nhất khi ở dưới nước.
Nhưng theo một nghiên cứu thực tế của Hải quân Hoa Kỳ, màu sắc dễ nhìn thấy nhất dưới nước ở giới hạn tầm nhìn với ánh sáng tự nhiên và nền nước như sau:
-
- Đối với sông, bến cảng và các vùng nước đục khác, màu cam huỳnh quang là dễ nhìn thấy nhất. Các màu không huỳnh quang có khả năng hiển thị tốt là trắng, vàng, cam và đỏ.
- Đối với vùng nước ven biển có độ trong trung bình, màu xanh lục huỳnh quang và màu cam huỳnh quang là ưu việt hơn. Trong khi, màu vàng và màu da cam là những màu không huỳnh quang tốt nhất.
- Đối với nước trong, màu xanh lá cây và màu trắng huỳnh quang là lựa chọn tốt nhất. Khi độ trong của nước tăng lên, kéo theo đó là khoảng cách xem tăng lên, màu dễ nhìn thấy nhất sẽ chuyển từ xanh lục vàng sang xanh lục sang xanh lục lam.
- Vật liệu huỳnh quang tốt hơn các vật liệu không phát sáng có cùng màu trong tất cả các vùng nước.
Nhưng tất cả đều không phải điểm đáng chú ý, bởi vì tính dễ đọc của một chiếc đồng hồ lặn thực sự không liên quan gì đến màu của mặt số, mà là độ tương phản giữa các kim và mặt số. Như vậy, sẽ không có gì thực sự tốt hơn mặt số màu đen với kim trắng chunky, đặc biệt là kim phút.
DÂY ĐEO CAO SU CÓ LỖ THÔNG HƠI KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM GIẢM BÍ BÁCH CHO CỔ TAY
Thực ra nếu nói nó có thể làm cho cổ tay đỡ bí bách vì cao su quá kín thì cũng không hoàn toàn sai, chí ít thì nó cũng có thể khiến cổ tay bạn “dễ thở” hơn, vì nó là một tính năng thiết kế cụ thể mà lợi ích của nó thường không được quan tâm nhiều bởi những người không trải nghiệm trực tiếp. Nhưng dù vậy, mục đích ban đầu của dây đeo cao su có lỗ thông hơi không phải như vậy. Dây đeo cao su gợn sóng được tìm thấy trên những mẫu đồng hồ lặn của IWC, Panerai, Citizen hay Seiko là một trong những sáng tạo khéo léo nhất trong lịch sử đồng hồ lặn và thậm chí, nó không liên quan gì đến đồng hồ.
Dây đeo cao su có lỗ thông hơi trên IWC Aquatimer Deep Three.
Áp lực nước tạo ra một lực tương đương với toàn bộ trọng lượng của bầu khí quyển phía trên chúng ta cứ mỗi 10 mét người thợ lặn lặn xuống. Điều này có tác dụng ép bất cứ thứ gì có thể nén được theo cách của nó. Do đó, một dây đeo cao su bằng nhựa tổng hợp từ từ bị nén vào cánh tay của một thợ lặn khi anh ta lặn xuống sâu hơn. Dây đeo đồng hồ thông thường, chẳng hạn như dây NATO hoặc cao su dẹt, khi đó sẽ càng lúc càng lỏng hơn, khiến đồng hồ nghiêng trên cổ tay. Vào năm 1975, Seiko là hãng đầu tiên giới thiệu dây đeo cao su “có lỗ thông hơi” trên chiếc đồng hồ lặn chuyên nghiệp 600 mét mang tính đột phá của hãng, đồng hồ này đã bao gồm một loạt các cải tiến khác miếng gioăng hình chữ L và tấm chắn bảo vệ.
Seiko đi tiên phong trong việc sử dụng dây đai cao su có lỗ thông hơi vào những năm 1970.
Để chống lại tác động của áp lực nước, một thợ lặn cần phải “thắt chặt quá mức” dây đeo có lỗ thông hơi, về cơ bản là kéo các gợn sóng phẳng ra trước khi xuống nước. Khi bộ đồ lặn nén lại và chu vi cổ tay co lại, những gợn sóng đó từ từ bắt đầu chùng xuống và đồng hồ vẫn căng. Đó là một giải pháp đơn giản thú vị và một đặc điểm thiết kế của đồng hồ lặn có thể nhận biết được như một vòng bezel xoay. Nhưng về cơ bản, nó vô dụng trên đất khô và nếu bạn muốn cổ tay đỡ bí bách hơn, tốt hơn là chỉ cần chọn một chiếc dây đeo cao su dạng lưới hoặc thiết kế nhiều lỗ trên thân dây.
VAN XẢ KHÍ HELI KHÔNG THỂ KHIẾN BẠN LẶN S U HƠN
Van xả khí Heli chỉ đơn thuần làm giảm áp suất quá tải của khí Heli bên trong vỏ đồng hồ, tình trạng này thường gặp nhất là khi làm việc trong môi trường có áp suất. Thực tế là nhiều thợ lặn chuyên nghiệp đã không sử dụng chiếc đồng hồ của họ khi làm việc, nó ít khi được sử dụng trong một chuyến đi lặn dài và có thể mang đến nhiều rắc rối. Vì vậy, nếu nói đồng hồ có thể tiếp xúc với áp suất cao, nó thường không phải áp suất nước, thế nên khả năng chống nước của đồng hồ trong trường hợp này không quan trọng lắm. Và khí Heli xâm nhập vào đồng hồ không đến từ nước mà từ khí bên trong môi trường sống. Dù thế nào đi nữa, trừ phi bạn là nhà thám hiểm, nhà khảo cổ hay đại loại vì những mục đích không thường xuyên, còn lại hầu hết các thợ lặn chuyên nghiệp đều không làm việc ở độ sâu hơn 200 mét mà thường ở độ sâu thấp hơn.
Van thoát khí Heli của Rolex
Người hâm mộ đồng hồ lặn có xu hướng đánh giá cao kỹ thuật quá mức. Mặc dù tư tưởng được truyền tải của van xả khí Heli và sự phát triển ban đầu của nó rất hấp dẫn, nhưng nó sẽ không giúp bạn lặn sâu hơn nữa.
KHẢ NĂNG CHỐNG NƯỚC 100 MÉT ĐÃ ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH ĐỒNG HỒ LẶN
Sự đo lường gắt gao là một điều tốt khi nói đến các thiết bị được sử dụng trong môi trường khắc nghiệt, nhưng chúng ta hãy xem xét đến các con số. PADI (Professional Association of Diving Instructors) – tổ chức hướng dẫn lặn chuyên nghiệp lớn nhất thế giới đã tuyên bố rằng 60 feet hoặc 20 mét là độ sâu mà chủ thẻ chứng nhận Open Water cơ bản nên lặn. Nhận được chứng nhận Advanced Open Water và PADI divemaster sẽ đưa bạn đến 130 feet hoặc 40 mét. Một chiếc đồng hồ có độ sâu 100 mét đã xem như gấp đôi giới hạn đó, và như thế thì mọi thứ sẽ ổn thôi. Nó cũng có thể sẽ mỏng hơn, nhẹ hơn và ít tốn kém hơn so với một chiếc đồng hồ lặn được đánh giá ở độ sâu phi lý mà chúng ta thường thấy ngày nay. Trên thực tế, từng có người đeo chiếc đồng hồ Timex Ironman bằng nhựa có khả năng chống nước ở độ sâu 50 mét như công cụ xem giờ dự phòng.
Jaeger-LeCoultre Polaris Date có độ chống nước 20bar, nắp lưng vặn kháng nước, đã quá đủ để bơi lặn.
Những chiếc đồng hồ lặn đầu tiên có khả năng chống nước khá khiêm tốn và đó là vào những năm 1950 – thời đại mà đồng hồ được đeo thường xuyên như một công cụ cần thiết dưới nước. Chiếc Rolex Submariner đầu tiên được đánh giá là chống nước được ở 100 mét và sở dĩ Blancpain Fifty Fathoms được đặt tên như vậy là vì người ta cho rằng độ sâu tối đa mà một người thợ lặn có thể xuống một cách an toàn là 50 fathoms (hoặc 300 feet – ít hơn 100 mét một chút). Trên thực tế, ở độ sâu hơn 187 feet, áp suất riêng của oxy trong khí nén trở nên nguy hiểm hiểm, thậm chí độc hại.
ISO 6425 – tiêu chuẩn quốc tế đưa ra các thông số kỹ thuật cho đồng hồ lặn, trong số đó có quy định rằng khả năng chống nước tối thiểu không được dưới 100 mét. Thế nên, mặc dù tất cả chúng ta đều đánh giá cao một chiếc đồng hồ lặn trên 1000 mét vì kỹ thuật ấn tượng của nó, nhưng cũng đừng phủ nhận những chiếc đồng hồ có độ chống nước 100 mét như Rado Captain Cook.
VIỆC KHUA TAY DƯỚI NƯỚC KHÔNG LÀM TĂNG ÁP LỰC NƯỚC LÊN ĐỒNG HỒ
Có một quan điểm rất phổ biến khi tìm hiểu về đồng hồ lặn: quan niệm rằng bơi lội hoặc vung tay dưới nước sẽ khiến áp suất nước cực lớn tức thì tác đồng hồ đồng hồ đeo tay. Vì vậy, những ai muốn đeo đồng hồ của mình để chơi thể thao dưới nước hoặc các hành động có độ phức tạp nhất định thì nên cân nhắc kỹ về độ chống nước của đồng hồ. Nhưng điều này không đúng sự thật.
Việc khua tay dưới nước không làm tăng áp lực nước lên đồng hồ
Thực tế là không có sự gia tăng đáng kể của áp lực nước lên các gioăng đồng hồ cho dù bạn khua tay mạnh đến mức nào. Theo một nghiên cứu thực tế của Hodinkee, bạn sẽ phải di chuyển cánh tay của bạn 32 dặm/giờ để khiến áp lực trong bầu không khí tăng lên cao (tương đương với thêm 33 feet hoặc 10 mét chiều sâu) và đó chỉ xảy ra khi áp suất tiếp xúc vuông góc với miếng gioăng, điều này không thể xảy ra. Kỳ thực, các thợ lặn dày dặn kinh nghiệm không sử dụng cánh tay của họ quá nhiều, việc khua tay xung quanh làm giảm thủy động lực và phải tăng sự ráng sức, do đó làm cạn kiệt nguồn cung cấp không khí nhanh hơn.
THỢ LẶN KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI ĐEO ĐỒNG HỒ LẶN
Nếu bạn chỉ nhìn vào thông cáo báo chí, xem các trang web thương hiệu và ảnh quảng cáo, bạn có thể cho rằng đồng hồ lặn là một thiết bị cần thiết cho một người lặn biển. Nhưng hãy thử đặt chân lên một chiếc thuyền lặn ở bất kỳ đâu trên thế giới, bạn sẽ nhận ra rằng mình không thể tìm thấy một chiếc đồng hồ đeo tay nào khác ngoài đồng hồ lặn kỹ thuật số (dive computer). Sự thật là, trong quá trình phát triển của đồng hồ lặn, vào đầu những năm 1990, đồng hồ lặn kỹ thuật số đã trở nên hữu dụng và thực tế, nhờ khả năng theo dõi động độ sâu và tính toán tải mô nitơ, giới hạn không giải nén và điểm dừng giải nén. Người thợ lặn không còn cần phải mang theo bất cứ công cụ nào khác hoặc làm toán trong đầu khi ở dưới nước.
Đồng hồ lặn kỹ thuật số hay máy tính lặn (dive computer)
Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều lý do chính đáng để lặn với một chiếc đồng hồ lặn. Đầu tiên, bạn không cần phải mua thêm một chiếc dive computer nếu không thường xuyên lặn biển, đồng hồ lặn là một công cụ theo dõi thời gian tiện dụng dưới nước lẫn trên bờ. Trong thường hợp bạn thường xuyên lặn biển, bạn có thể đeo cả hai như một công cụ dự phòng cho chuyến thám hiểm của mình. Thứ hai, nó có những tính năng khác có thể được tính toán thời gian dưới nước mà đồng hồ lặn kỹ thuật số không phù hợp, chẳng hạn như khoảng cách bơi để điều hướng, quay vòng và thời gian điểm hẹn, hoặc điểm dừng an toàn. Trên hết, nó có thể dễ dàng xoay vòng bezel để theo dõi các khoảng thời gian trên bề mặt, thời gian đi thuyền và tất cả các khoảng thời gian sau khi lặn.
Ngày nay, những người đam mê đồng hồ lặn thường coi trọng những phát triển kỹ thuật hơn là ứng dụng thực tế của nó. Vậy cũng không có gì là sai cả. Đeo một chiếc đồng hồ lặn khi đi lặn biển là để tôn vinh di sản của một trong những loại đồng hồ được chế tạo có mục đích nhất. Việc đeo một chiếc đồng hồ lặn vô tình tạo nên mối liên kết giữa bạn và dòng đồng hồ vĩ đại trong lịch sử, cũng như các nhà thám hiểm lừng danh đã từng đeo nó trước đây. Nó cũng có thể là một kỷ vật để đánh dấu cho một chuyến phiêu lưu đáng nhớ của bạn dưới đại dương. Dù sao thì “giá trị” cũng được làm nên từ “giá trị vô hình” và “giá trị hữu hình”, tất cả những gì mà đồng hồ lặn đạt được ngày hôm nay đều là đáng giá.