đồng hồ Quartz và những điều thú vị về đồng hồ Quartz

Đồng hồ Quartz là gì? Khám phá những điều thú vị về đồng hồ Quartz

Bạn có phải là một người yêu thích sưu tầm đồng hồ? Hoặc không thì bạn đang muốn tìm hiểu về chúng để lựa chọn cho mình một chiếc đồng hồ đáng để đầu tư? Vậy chắc hẳn bạn không thể bỏ qua đồng hồ quartz cũng như cách mà nó hoạt động. Bạn có nên mua đồng hồ quartz không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đồng hồ quartz và những câu chuyện thú vị đằng sau bộ máy của nó – phát minh đã làm nổ ra cuộc khủng hoảng làm chao đảo các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ một thời.

Khái niệm của từ Quartz

Quartz theo nghĩa tiếng Việt là thạch anh – tên của một loại khoáng chất kết tinh, Silicon Dioxide, có thể tìm thấy được rất nhiều trong vỏ Trái Đất và nó cũng là thành phần chính của cát. Thạch anh sử dụng trong ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ thường là thạch anh tổng hợp hoặc thạch anh nhân tạo. Vì sao thạch anh tự nhiên không được dùng trong công nghệ chế tạo đồng hồ? Câu trả lời là vì thạch anh nhân tạo có những đặc tính phù hợp hơn mà ở thạch anh tự nhiên không thể có được.

thạch anh tự nhiên

Thạch anh được sử dụng bởi hàng tỷ người trên thế giới nhưng chẳng ai biết về sự tồn tại của nó cả. Vì sao ư? Vì những hạt thạch anh siêu nhỏ được giấu bên trong những chiếc đồng hồ nói chung và đồng hồ đeo tay nói riêng. Vậy thạch anh có tác dụng gì, tại sao nó lại xuất hiện trong đồng hồ?

Quay ngược về các bài học vật lí một tí, có một số vật liệu như gốm sứ, tinh thể thạch anh… khi đặt dưới áp lực cơ học nó có thể tạo ra điện năng. Khả năng chuyển đổi điện áp (đến và từ) căng thẳng cơ học được gọi là áp điện. Ngoài ra, tinh thể thạch anh có thể duy trì một tiêu chuẩn tần số chính xác, giúp điều chỉnh những chuyển động bên trong đồng hồ, từ đó cải thiện độ chính xác của bộ đếm giờ. Với tính chất hữu dụng như vậy nên thạch anh còn được sử dụng rộng rãi trong các bộ vi xử lý, radio và nhiều ứng dụng công nghệ khác.

Vậy các thạch anh được sử dụng trong công nghiệp điện tử đều là thạch anh tự nhiên? Hoàn toàn sai, các thạch anh sử dụng trong công nghiệp điện tử đều là thạch anh tổng hợp, thậm chí có những viên thạch anh được tạo ra với tần số cụ thể dành riêng cho các chức năng cụ thể. 

Như thế nào là đồng hồ Quartz? 

Sau khi biết được quartz là gì thì bạn có thể hiểu nôm na rằng: đồng hồ quartz (đồng hồ thạch anh) là những chiếc đồng hồ sử dụng bộ dao động điện tử được kiểm soát bởi một miếng thạch anh mỏng như tờ giấy. Thạch anh rung động rất nhanh để đáp lại một điện tích và cũng chính những rung động này cho phép đồng hồ lưu trữ thời gian.

bộ máy bên trong của đồng hồ Quartz

Vì chúng chạy bằng pin và có ít bộ phận bên trong nên chi phí cho những chiếc đồng hồ quartz này khá thấp. Có một khiếm khuyết về đồng hồ quartz mà có thể đối với những người đam mê sưu tập đồng hồ sẽ cảm thấy nó bớt hấp dẫn đi, đó là những kỹ thuật thủ công tinh tế hay những điều tỉ mỉ khác mà chỉ đồng hồ cơ mới có. Vậy nên, những nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng như Patek Philippe thiết kế những chiếc đồng hồ quartz luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để bảo toàn giá trị thương hiệu cho họ.

bộ máy Calibre E23 của Patek Philippe

Cách đồng hồ Quartz vận hành ra sao?

Theo bạn, ở đồng hồ thì bộ phận nào là quan trọng nhất? Dĩ nhiên rồi, đó là bộ máy chuyển động (watch movement). Thử tưởng tượng xem nếu không có quả tim thì bạn sẽ sống như thế nào, bộ máy chuyển động cũng tương tự như vậy – nó là “nguồn sống” của đồng hồ. Cũng giống như trái tim, nó hoạt động như một nhà máy điện mini, truyền năng lượng cho các chức năng của đồng hồ hoạt động. Năng lượng này ngoài việc có thể làm cho bộ kim chỉ thời gian hoạt động mà nó còn có thể cung cấp sức mạnh cho bất kỳ chức năng phát sinh nào (như chức năng bấm giờ, lịch hằng năm hoặc múi giờ kép). Hiển nhiên, bộ máy hoạt động là một phần tất yếu trong đồng hồ và giữ cho thời gian được chính xác, một chiếc đồng hồ sẽ không thể hoạt động nếu như thiếu bộ máy này.

Bộ máy chuyển động E15

Bộ máy chuyển động E15 với tần số dao động thạch anh 32768 Hz và tuổi thọ pin lên đến 3 năm.

Một yếu tố cũng quan trọng không kém, nhờ nó mà thời gian có thể được giữ một cách chính xác nhất có thể, đó là dao động. Nếu đã có tìm hiểu về đồng hồ cơ thì bạn biết đấy, yếu tố dao động trong đồng hồ cơ có dạng lò xo cân bằng và bánh xe cân bằng. Còn ở đồng hồ quartz thì khác, một tinh thể thạch anh siêu nhỏ được cắt theo hình một chiếc âm thoa. Thạch anh này dao động ở một tần số chính xác và có đặc tính áp điện, khi có áp suất tác động lên nó, nó sẽ tạo ra một volt điện nhỏ.

bộ cộng hưởng tinh thể thạch anh dưới dạng chiếc âm thoa

Bộ cộng hưởng tinh thể thạch anh được tạo ra dưới hình dạng của một âm thoa.

Nghịch đảo của tính chất này vẫn đúng. Đúng ở chỗ khi có dòng điện truyền qua thạch anh, nó sẽ rung (thường là 32 768 mỗi giây). Mạch vi điện tử của bộ chuyển động sau đó sẽ hạ xuống thành một xung điện mỗi giây. Sự thúc đẩy này điều khiển một động cơ lần lượt di chuyển kim giây và nhích từng bước mỗi giây.

Tóm lại, cách mà đồng hồ Quartz hoạt động:

  • Đồng hồ quartz được cung cấp năng lượng bởi một pin gửi tín hiệu điện thông qua một mảnh tinh thể thạch anh dưới hình dạng chiếc âm thoa.
  • Tinh thể thạch anh này rung 32768 lần mỗi giây, tạo ra tín hiệu với tần số chính xác.
  • Các rung động được bộ vi mạch xử lí và chuyển đổi thành một xung mỗi giây.
  • Chuyển động nhất quán của đồng hồ chính là kết quả của xung này.

Lợi ích cũng như ưu điểm của bộ máy Quartz

Nếu bạn cảm thấy phiền vì phải thay pin cho đồng hồ quartz mà loại bỏ nó khỏi danh sách – wishlist – những chiếc đồng hồ bạn muốn sở hữu thì tôi tin chắc rằng, sau khi đọc những ưu điểm sau của đồng hồ quartz thì bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của mình. 

  1. Thời gian chính xác: Những chiếc đồng hồ quartz được tạo ra với ưu điểm đầu tiên mà các nhà sản xuất luôn tự hào đó là độ chính xác vượt trội của nó. Sai số của nó thấp hơn cả những chiếc đồng hồ cơ cao cấp nhất, chuyên nghiệp nhất (khoảng 10 giây mỗi tháng)
  2. Dễ sử dụng: Đồng hồ quartz chạy bằng pin và không cần phải lên dây cót như đồng hồ cơ. Đối với những người không thích việc phải lên dây cót phiền phức thì đây hoàn toàn là một sự lựa chọn hoàn hảo.
  3. Bảo trì thấp: Vì số lượng các bộ phận chuyển động thấp cộng với sự góp mặt của pin đã đảm bảo cho chúng có thể duy trì tuổi thọ mà không cần phải bảo trì quá nhiều thứ.
  4. Ít tốn kém hơn: Sản xuất đồng hồ cơ tiêu tốn khá nhiều thời gian, và người chế tạo ra đồng hồ cơ đòi hỏi phải có trình độ và kỹ năng chuyên môn cao để làm ra chúng. Trong khi đồng hồ quartz lại không cần những điều này. Do đó, chi phí để đầu tư cho đồng hồ quartz luôn khiêm tốn hơn đồng hồ cơ.
  5. Độ bền: Đồng hồ quartz có độ bền tương đối tốt hơn đồng hồ cơ vì chúng ít bị ảnh hưởng bởi các tác động ngoại lực (như sốc, từ trường…). Mặc dù vậy, điều này còn tùy thuộc vào những hãng đồng hồ mà bạn đầu tư nữa. Vậy nên, bạn hãy sáng suốt khi chọn cho mình một chiếc đồng hồ chính hãng đến từ những thương uy tín để đảm bảo rằng bạn sẽ không phải hối tiếc sau một thời gian sử dụng chúng.

Nếu bạn cần đầu tư cho mình một chiếc đồng hồ có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài với độ chính xác và độ tin cậy cao, hơn hết là nó không cần bạn phải đầu tư vào nó một khoảng tiền lớn thì đồng hồ quartz là một sự lựa chọn hoàn hảo. 

Lịch sử cuộc cách mạng đồng hồ Quartz

Khởi đầu cho cuộc cách mạng đồng hồ quartz là vào tuần cuối cùng của những năm 1960. Ngày 25 tháng 12, Seiko đã giới thiệu Astron – chiếc đồng hồ đeo tay quartz đầu tiên trên thế giới tại Tokyo. Đó là phiên bản giới hạn của 100 chiếc đồng hồ vỏ vàng, có giá 450 000 ¥ (gần bằng 97 triệu VNĐ ở thời điểm hiện tại), tương đương với giá của một chiếc Toyota Corolla lúc bấy giờ. Chuyển động chạy bằng pin của nó có bộ dao động quartz với tần số 8. 192 Hz, chính xác trong vòng năm giây một ngày.

đồng hồ Seiko Astron ban đầu

Đồng hồ Seiko Astron ban đầu

Mặc dù, Seiko đã thả quả bom Astron thành công vang dội trong thế giới đồng hồ, nhưng phải mất một thời gian sau thì cuộc cách mạng thạch anh mới chính thức bắt đầu. Seiko và một vài nhà sản xuất đồng hồ tiên phong khác (một vài nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã tiết lộ các chất tương tự thạch anh tại Hội chợ Basel 1970) cần thời gian để hoàn thiện công nghệ mới này và sản xuất chúng với số lượng lớn. Và Seiko cũng không giới thiệu thêm mẫu đồng hồ nào khác ngoài Astron cho đến năm 1971.

Có một điều khá ngạc nhiên là mở màn cho kỷ nguyên đồng hồ quartz không phải là đồng hồ analog (đồng hồ với mặt số và kim) mà là đồng hồ digital (đồng hồ điện tử). Tháng 4 năm 1972, Hamilton Watch Co., ở Lancaster, PA, đã tiết lộ chiếc đồng hồ digital đầu tiên trên thế giới, Pulsar. Chiếc đồng hồ có vỏ bằng vàng với mức giá $2.100 và màn hình LED hiển thị thời gian bằng chữ số phát sáng, và nó chỉ hiển thị khi ấn nút trên vỏ đồng hồ. Không giống với đồng hồ quartz analog với mặt số và kim thông thường, đồng hồ digital có mặt số hoàn toàn bằng điện tử và nó không có bộ phận chuyển động nào cả.

Hamilton Pulsar P2, Roger Moore đã đeo nó trong "Live And Let Die"

Hamilton Pulsar P2, phiên bản được sản xuất hàng loạt của chiếc P1 Gold năm 1973 (Roger Moore đã đeo nó trong “Live And Let Die”)

Tuy nhiên, đồng hồ digital với màn hình LED này khá bất tiện khi bạn phải nhấn nút thì số giờ mới hiển thị, hoàn toàn bất tiện nếu bạn đang dở tay làm việc gì đó và muốn canh thời gian. Ngoài ra, nó còn có một nhược điểm nữa là ánh sáng hiển thị số giờ tiêu hao rất nhiều pin. Từ những nhược điểm đó, năm 1973, Seiko và những nhà sản xuất khác đã cho ra đời chiếc đồng hồ kỹ thuật số với màn hình LCD (màn hình tinh thể lỏng). Nó cho phép thời gian được hiển thị liên tục, tuy nhiên với một số màn hình LCD ban đầu lại khá khó đọc.

đồng hồ Seiko bộ máy Quartz và màn hình LCD 6 chữ số

Đồng hồ Seiko với bộ máy quartz và màn hình LCD 6 chữ số

Mặc dù nhược điểm của Pulsar khá nhiều, nhưng nó đã tạo tiếng vang không hề nhỏ. Trong những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng thạch anh này, đồng hồ digital lại phổ biến hơn đồng hồ analog và màn hình LED phổ biến hơn LCD.

Chỉ cần bỏ ra $125 bạn sẽ có được một chiếc đồng hồ digital màn hình LED, National Semiconductor gia nhập thị trường với chiếc đồng hồ có giá chỉ bằng phân nửa so với đối thủ khiến cho nhu cầu về đèn LED tăng mạnh vào năm 1974. Đến năm 1975, có hơn 50 công ty bán dẫn (Motorola, Hughes, Fairchild, Microma của Intel, Hewlett-Packard, v.v.) sản xuất và bán đồng hồ LED. Trong câu chuyện bìa Tuần lễ kinh doanh – Business Week xuất bản tháng 10 năm 1975 tại Hoa Kỳ đã ca ngợi xu hướng: “Digital Watches: Bringing Watchmaking Back to the U.S.” – “Đồng hồ kỹ thuật số: Đưa đồng hồ trở lại Hoa Kỳ”. 

Nhưng sự phiền toái mà đồng hồ LED mang lại thì vẫn còn đó, người ta vẫn phải nhấn nút khi muốn xem giờ, điều đó đã làm cho nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh trong khi nguồn cung đồng hồ LED lại tăng. Giá đồng hồ LED bị đánh sập gần như hoàn toàn. Texas Instruments giảm giá đồng hồ LED xuống còn $19,95 vào năm 1976 và tiếp tục xuống chỉ còn $10 vào năm 1977, sự khủng hoảng của đồng hồ LED đã thực sự bùng nổ. Hamilton đã bán Pulsar cho một nhà phân phối trang sức và đồng hồ Philadelphia vào năm 1977. Cho đến năm 1980, tất cả các công ty điện tử của Mỹ trừ TI đã biến mất.

Sau khi đồng hồ LED bị đánh sập thì công nghệ màn hình LCD lên ngôi vương, trở thành tiêu chuẩn cho đồng hồ kỹ thuật số và việc sản xuất được chuyển đến Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Người thắng đậm nhất là Hồng Kông – đây là trung tâm phát triển đồng hồ nhanh nhất thế giới, năm 1980, họ đã xuất khẩu 126 triệu đồng hồ và hơn nửa trong số đó là đồng hồ kỹ thuật số.

Cũng giống như đồng hồ LED, giá LCD không còn như lúc ban đầu nữa mà nó cũng giảm theo thời gian. Vào năm 1976, đồng hồ quartz analog có chất lượng cao hơn và giá cũng cao hơn so với đồng hồ kỹ thuật số. Như một lẽ hiển nhiên, đồng hồ analog lại chiếm ưu thế. Và điều đó đã tạo nên một cuộc chiến vĩ đại thứ hai của cuộc cách mạng đồng hồ quartz: Seiko và Thụy Sĩ.

Theo sau nhà sản xuất tiên phong Seiko, thì tất cả các nhà sản xuất đồng hồ Nhật Bản đều áp dụng công nghệ thạch anh. Năm 1972, Seiko phát hành chiếc đồng hồ đeo tay nữ quartz đầu tiên trên Thế giới. Nối tiếp sự thành công của bộ máy quartz, Seiko cho ra mắt một loạt các đồng hồ quartz với màn hình LCD đầu tiên: đồng hồ LCD đầu tiên với màn hình 6 chữ số (1973), đồng hồ kỹ thuật số đa chức năng đầu tiên (1975).

Ở một diễn biến khác, ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ phân mảnh như Thụy Sĩ – có hai nhóm chế tạo đồng hồ lớn: SSIH có ngôi sao là Omega và ASUAG có thương hiệu hàng đầu là Longines lại vẽ nên một câu chuyện hoàn toàn khác.

Sau tất cả các cuộc tấn công ồ ạt của đồng hồ quartz, doanh thu của hàng loạt nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đều đồng loạt giảm xuống, họ mới nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này khiến họ phải tái cấu trúc toàn bộ ngành. Từ năm 1978 đến 1985, hai người đàn ông, Ernst Thomke và Nicolas G. Hayek, Sr., đã hợp tác để thực hiện cuộc cải cách “phi thường đau đớn” mà ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đang rất cần.

Năm 1978, ASUAG đã thuê Thomke để tái cấu trúc bộ phận Ebauches SA của mình, cùng thời gian này, ASUAG cũng chế tạo các bộ chuyển động và bộ phận cho 16 thương hiệu của mình và cả những thương hiệu khác. Thomke đã sắp xếp và tổ chức lại các công ty con Ebauches khác nhau thành một công ty mới, đặt tên là ETA SA. Ông đã cắt giảm chi phí sản xuất, giảm số lượng nhân viên (từ 20.000 xuống còn 8.000 nhân viên vào năm 1982) và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ETA thành sản xuất thạch anh tương tự. Điều này đã thành công dẫn đến chiến thắng đầu tiên của Thụy Sĩ trong cuộc cách mạng thạch anh.

Ernst Thomke

Ernst Thomke

Vào năm 1978, Citizen đã giới thiệu chiếc đồng hồ mỏng nhất Thế giới – Exceed Gold – với vỏ dày 4,1mm. Tuy nhiên, Seiko đã vượt qua nó với chiếc đồng hồ dày 2,5mm. ETA đã làm cả thế giới đồng hồ kinh ngạc khi cho ra mắt chiếc đồng hồ chỉ dày 1,98mm vào tháng 1 năm 1979 – có tên là Delirium (ra mắt ở Hoa Kỳ dưới thương hiệu Concord). Seiko trở lại sản đấu với chiếc đồng hồ mỏng hơn nhưng ETA đã sẵn sàng cho cuộc chiến không khoan nhượng này. Cuối cùng, ETA đã giành thắng lợi trong cuộc chiến này khi phát hành thêm ba chiếc Deliriums. Chiếc cuối cùng – Delirium IV – với vỏ chỉ dày 0,98mm, đến hiện tại thì đây vẫn là chiếc đồng hồ mỏng nhất từng được chế tạo.

Ba phiên bản của Deliriums

Ba phiên bản của Deliriums

Chiếc thắng lớn của Deliriums như một báo hiệu với cả Thế giới rằng “hãy dè chừng” vì Thụy Sĩ đã làm chủ được công nghệ thạch anh và sẵn sàng bước vào cuộc chiến cạnh tranh với các nhà sản xuất Nhật Bản. Thực tế rằng, với các chất tương tự thạch anh thì Thụy Sĩ đã đạt được một số thành công ở mức giá trung bình và cao hơn của thị trường với các mẫu mỏng, thanh lịch từ các thương hiệu như Cartier, Raymond Weil, Gucci, Ebel và Concord.

Nicolas G. Hayek

Nicolas G. Hayek

Mặc dù vậy, các khoản lỗ tại SSIH và ASUAG tiếp tục tăng. Một tập đoàn gồm các ngân hàng Thụy Sĩ đã phải cứu trợ hai nhóm để giải cứu ngành đồng hồ – ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Thụy Sĩ lúc bấy giờ. Các ngân hàng Thụy Sĩ đã rót hơn SF550 triệu vào ngành trong các chương trình giải cứu từ năm 1981 đến năm 1983. Trong cuộc khủng hoảng này, các ngân hàng đã chuyển sang Hayek, chủ sở hữu của Hayek Engineering tại Zurich – công ty tư vấn hàng đầu Thụy Sĩ. Các ngân hàng ủy thác Hayek đưa ra một kế hoạch để cứu ngành công nghiệp đồng hồ. Hoàn thành vào năm 1983, giải pháp đưa ra là hợp nhất hai nhóm thành một công ty và tách các thương hiệu khỏi các đơn vị sản xuất. Tất cả sản xuất sẽ được tập trung trong ETA SA. Nếu như các thương hiệu, những người trước đây tạo ra các bộ máy của riêng họ thì bây giờ họ sẽ tập trung vào thiết kế, tiếp thị và bán hàng. Các ngân hàng đã chấp nhận kế hoạch và thuê Hayek để thực hiện nó. Công ty mới được gọi là SMH, bằng tiếng Anh, Swiss Corporation cho Vi điện tử và Đồng hồ (Lưu ý rằng vi điện tử đi trước chế tạo đồng hồ). Ngày nay, nó được gọi là Swatch Group.

Các ngân hàng đã quá mệt mỏi với việc cứu trợ, nên khi nghe vấn đề của Thomke – ông cần tiền đầu tư để làm đồng hồ, họ đã từ chối. Không từ bỏ, ông đã đem kế hoạch bí mật về Delirium Vulgare trình bày cho Hayek. Cuộc kêu gọi vốn đã thành công, ETA đã cho ra mắt đồng hồ nhựa vào năm 1983 dưới tên Swatch. Swatch đã gây nên một cú shock cho thế giới đồng hồ vì trước đây, người Thụy Sĩ chưa bao giờ tấn công vào thị trường cấp thấp, nơi mà họ khó có thể cạnh tranh do chi phí lao động cao. Nhưng cũng ít ai ngờ được, họ vừa trải qua cảm giác trong một đêm tối mù mịt.

Đồng hồ Swatch đầu tiên, sản xuất 1983

Đồng hồ Swatch đầu tiên, sản xuất 1983

Sau khi Swatch đánh dấu bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng thạch anh vừa rồi, thì đến năm 1985, việc làm trong ngành đồng hồ đã giảm xuống từ 89450 (năm 1970) còn 32000. Và tiếp tục chạm đáy ở mức 28000 vào năm 1988. Từ năm 1974 đến năm 1983, sản lượng đồng hồ Thụy Sĩ đã giảm từ mức kỷ lục 96 triệu chiếc xuống còn 45 triệu chiếc. Nhưng chỉ hai năm sau khi Swatch ra mắt, sản lượng đã tăng trở lại với 60 triệu chiếc. Thời điểm đó, 80% xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ là thạch anh, và 42% trong số đó là đồng hồ nhựa. Đó là kết quả của hiệu ứng mà Swatch mang đến. Hơn nữa, sau khi mất tiền vào năm 1983, SMH mới, đã chuẩn bị tư thế ở phía sau. Ít ai ngờ rằng Hayek – Mr.Swatch, như khi được ông biết đến, đã đổi tên của SMH vào năm 1998 thành Tập đoàn Swatch.

Công nghệ thạch anh đã đã thực sự lan tỏa và làm chao đảo thế giới đồng hồ, nó trở thành một công nghệ có chỗ đứng vững vàng trong ngành sản xuất đồng hồ, với số lượng đồng hồ quartz được sản xuất mỗi năm. Năm 2015, theo Hiệp hội Watch & Clock Nhật Bản có 1,46 tỷ đồng hồ đã được sản xuất, trong đó 1,42 tỷ là đồng hồ quartz, chiếm 97% tổng số. Đồng hồ quartz analog chiếm 81% trong tổng số và đồng hồ digital 16%. Vậy là gần nửa thế kỷ sau khi Seiko ra mắt Astron, quan điểm sản xuất trong Thế giới đồng hồ đã thay đổi, gần như hoàn toàn bằng thạch anh.

Một thế hệ phiên bản mới của đồng hồ Quartz

Công nghệ quartz không hề dừng lại ở đó, nó đã phát triển vượt bậc với những phiên bản công nghệ mới được sử dụng đến tận ngày nay. Phiên bản đồng hồ năng lượng mặt trời đầu tiên trên Thế giới được tạo ra bởi nhà phát minh Roger Riehl vào tháng 3 năm 1968, với thiết kế mặt đồng hồ là nơi lấy năng lượng ánh sáng chính. Được lấy cảm hứng từ những tấm bảng pin năng lượng Mặt Trời gắn trên các vệ tinh nhân tạo. 

Đến năm 1976, Citizen tạo ra chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng ánh sáng đầu tiên trên Thế giới. Công nghệ này được đặt tên là Eco-Drive. Eco-Drive chuyển đổi bất kỳ loại ánh sáng nào thành năng lượng cho đồng hồ, lưu trữ thặng dư trên pin điện. Khi pin đã được sạc đầy bởi ánh sáng thì đồng hồ Eco-Drive chạy được trong nhiều tháng, ngay cả trong bóng tối mà không cần phải thay pin thường xuyên. Nó được thiết kế để sạc được từ các nguồn sáng thông thường hàng ngày như đèn huỳnh quang trong nhà và đèn bàn.

Chiếc đồng hồ Citizen Eco-Drive chạy bằng năng lượng ánh sáng.

Chiếc đồng hồ Citizen Eco-Drive chạy bằng năng lượng ánh sáng.

Vào thời điểm bộ máy quartz ra đời, Seiko luôn suy nghĩ về nhược điểm thay pin của nó. Seiko luôn trăn trở – phải tạo ra bộ máy quartz với công nghệ “không cần thay pin”. Từ suy nghĩ đó mà năm 1977, Seiko đã giới thiệu về chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng Mặt Trời.

Năm 1988, Seiko đã tạo ra một sản phẩm đầy tính sáng tạo – Seiko KINETIC – cho phép nó chuyển đổi chuyển động người đeo thành điện năng để cung cấp năng lượng cho bộ máy quartz.

Chiếc đồng hồ Seiko KINETIC

Chiếc đồng hồ Seiko KINETIC

Junghans và Citizen trong những năm 1990 đã tiên phong trong những chiếc đồng hồ điều khiển vô tuyến nhận tín hiệu thời gian từ đồng hồ nguyên tử. Những chuyển biến này cũng bao gồm sự hiện diện của đồng hồ GPS ngày nay – nhận được tín hiệu thời gian cực kỳ chính xác từ các vệ tinh trong không gian, được Casio tiên phong vào năm 1999, với PRT-1GP.

Có thể thấy, sự sáng tạo để cải tiến bộ máy quartz là không có giới hạn, và nó hoàn toàn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người tiêu dùng. Minh chứng rõ ràng là ngày nay người ta vẫn tin dùng đồng hồ chạy bằng năng lượng Mặt Trời hay đồng hồ chạy bằng ánh sáng. 

Kết luận

Sau khi biết được đồng hồ Quartz là gì, nó vận hành ra sao, nó có ưu nhược điểm gì…thì tôi nghĩ bạn đã có câu trả lời cho mình về việc: “Có nên mua đồng hồ quartz không? Đồng hồ quartz có tốt không?” rồi nhỉ. 

Nếu bạn mê mẩn những chiếc đồng hồ có giá trị truyền thống cao và mang tính biểu tượng của thời đại thì lựa chọn phù hợp vẫn là đồng hồ cơ. Tuy nhiên, đồng hồ quartz cũng có thể mang lại những thế mạnh vượt trội về mặt nghệ thuật. Bởi đặc trưng của bộ máy đơn giản, ít thành phần cho phép nó giữ được kích thước nhỏ gọn, đồng thời phá vỡ hình dạng truyền thống của mặt số – như mặt tròn, mặt vuông. Từ đó mang lại những thiết kế kỳ dị như mặt chữ nhật nhỏ, mặt oval, mặt số bất đối xứng hay nhiều hình dáng độc đáo khác nữa. Bộ máy quartz đã góp phần thành công cho những thương hiệu đồng hồ trang sức xa xỉ nổi tiếng như BST High Jewelry Watches của Piaget hoặc mới đây là BST Maillon de Cartier. Với những bộ sưu tập cần đầu tư về mặt ngoại hình thì các nhà sản xuất luôn ưu ái sử dụng bộ máy quartz, để họ có thể tự do sáng tạo về kiểu dáng và kích thước – điều mà với bộ máy cơ thì không phải lúc nào cũng làm được. 

Và sau tất cả thì những ưu điểm và sự thành công về việc cải tiến bộ máy mà đồng hồ quartz mang lại là không thể chối cãi.