Đồng hồ lặn là một trong những loại đồng hồ đeo tay cao cấp dành cho những khách hàng đam mê các bộ môn thể thao dưới nước như bơi lội, lặn thể thao hoặc lặn tự do với khả năng chống nước cao. Vì là mô hình đồng hồ chuyên dụng thường xuyên được sử dụng và tiếp xúc với môi trường nước nên đồng hồ lặn được vận hành bằng chuyển động cơ học tự động (automatic) hoặc các bộ máy sử dụng năng lượng mặt trời (solar) với mục đích tránh bị ảnh hưởng tới độ chống nước của đồng hồ khi thay pin ở các mẫu đồng hồ quartz.
Đồng hồ thợ lặn đặc biệt có khả năng chịu nước cao (thường lớn hơn 200m hoặc 100m nếu áp dụng tiêu chuẩn chống nước ISO 6425) đây là một điểm mạnh dành cho những người đam mê bộ môn bơi lội, vận động viên bơi lặn, lính hải quân,…. Vì tính chất phức tạp và chi phí sản xuất cao nên đồng hồ thợ lặn thường được sản xuất từ các thương hiệu đồng hồ lớn trên Thế giới với những thiết kế cao cấp và sử dụng chất liệu bền bỉ vững chắc. Ngày nay đồng hồ chuyên để lặn đang ngày càng phổ biến bởi tính linh hoạt của chúng, không chỉ phù hợp với việc tham gia các hoạt động thể thao dưới nước mà những chiếc đồng hồ bơi lặn vẫn mang tính thời trang để có thể đeo vào những ngày trong tuần.
Lịch sử của đồng hồ lặn
Lịch sử của đồng hồ lặn bắt đầu từ năm 1953 khi đơn vị lính thợ lặn tinh nhuệ thuộc quân đội của Pháp Blancpain (đứng đầu là Jean-Jacques tại thời điểm đó) yêu cầu được tạo ra chiếc đồng hồ thích hợp cho việc lặn của họ.
Xu hướng đồng hồ thời đại khi đó chủ yếu là về thời trang và đồng hồ phi công. Đồng hồ chống nước đã được thử nghiệm và sản xuất trong vài thập kỉ, nhưng chưa có cái nhìn thẩm mỹ phù hợp cùng đặc điểm kỹ thuật của một chiếc đồng hồ chuyên dùng cho việc lặn mà binh lính Pháp cần.
Đồng hồ lặn Rolex Oyster Perpetual Deepsea
Để tạo ra chiếc đồng hồ cơ sử dụng cho các hoạt động quân sự dưới nước, cỗ máy thời gian đó cần có khả năng chịu nước cao, đặc điểm nhận dạng lớn, khung bezel có thể xoay, mặt kính và bộ vỏ bền bỉ và có tính năng dạ quang trên mặt số. Tất cả những điều này đều rất quan trọng cho tính năng và khả năng hiện thị dưới nước.
Vì vậy nên Blancpain Fifty Fathoms đã được thiết kế. Không lâu sau đó, Rolex cho ra mắt dòng đồng hồ Submariner và các nhà sản xuất đồng hồ khác đã làm theo như một trào lưu. Hãy nghĩ xem nếu như khi đó Blancpain đã không quan tâm đến những yêu cầu của các binh lính quân đội người Pháp thì có lẽ những mô hình đồng hồ độc đáo và chuyên dụng này đã không thể tồn tại.
Các đặc điểm cơ bản
1. Chữ số hoặc vạch chỉ giờ lớn/ Kim đồng hồ phủ một lớp dạ quang cao cấp
Điều đầu tiên và dễ nhận biết nhất chính là chữ số hoặc vạch chỉ giờ lớn và đậm trên mặt số cũng như kim đồng hồ được phủ một lớp dạ quang phát sáng cao cấp. Vì sao lại có tính năng này? Vì để có thể nhận biết thời gian rõ hơn trong môi trường nước, cụ thể hơn là một môi trường ánh sáng yếu do ánh sáng mặt trời bị hạn chế không thể chiếu đến. Chúng ta cần một lớp phủ ánh sáng để có thể thấy rõ hơn mọi thứ trên mặt đồng hồ. Trên những mẫu đồng hồ cao cấp lớp phủ ánh sáng thường được sử dụng là Super – LumiNova hoặc NoctiLumina với khả năng phát sáng lâu và rõ nét. Tính năng này thực sự sẽ giúp các thợ lặn hoặc các vận động viên kiểm soát thời gian tốt hơn và chính xác hơn.
Lớp phủ dạ quang trên đồng hồ lặn Panerai
Một điều quan trọng nữa là kim giây đồng hồ cần phải được phát sáng để thợ lặn có thể biết được đồng hồ có còn đang hoạt động hay không. Hãy lưu ý rằng việc sử dụng đồng hồ dưới nước là để xem giờ và quản lý thời gian trong một môi trường “ướt át”. Chính vì thế điều quan trọng và cần thiết là phải biết đồng hồ có còn hoạt động hay không.
Ngay cả việc nếu bạn không có nhu cầu bơi lội thì đồng hồ có khả năng dạ quang cũng là tính năng hữu ích (hầu hết những mô hình đồng hồ lặn đều tuyệt hơn so với một chiếc đồng hồ thông thường), nó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc kiểm tra thời gian trong rạp chiếu phim hoặc vào ban đêm khi đèn đã tắt, cực kì tiện lợi.
2. Điều chỉnh vòng xoay bezel trên vỏ đồng hồ
Bezel là khung kim loại nằm bên ngoài mặt số đồng hồ. Nó có thể được để trống (thường là trên các mô hình đồng hồ thời trang) hoặc được trang bị một số chức năng như tachymeter, tính toán chuyển đổi hoặc chức năng đo khoảng cách.
Nhưng trên các dòng đồng hồ lặn cao cấp, viền bezel sẽ được trang bị tính năng xoay với những dấu hiệu nhỏ trên đó. Bằng cách xoay những dấu hiệu đó đến các điểm phút hiện tại, thời gian lặn trôi qua có thể được kiểm tra dễ dàng. Và một điều lưu ý cần quan tâm đó là viền bezel chỉ được phép xoay một chiều ngược chiều kim đồng hồ với mục đích đảm bảo an toàn tránh nguy cơ khiến thời gian lặn bị ảnh hưởng.
Đồng hồ lặn Omega Ploprof với viền bezel xoay độc đáo
Hầu hết trên các mẫu đồng hồ thợ lặn hiện nay có sự xuất hiện của các con số 10, 20, 30, 40 và 50 phút dễ thấy trên các niềng. Đây là kết quả của sự tinh chỉnh lại từ các thiết kế bezel cũ. Trước đây, các thợ lặn trước khi thực hiện nhiệm vụ sẽ lên kế hoạch lặn xuống độ sâu tối đa và sẽ tính toán thời gian dựa trên một biểu đồ lặn của Hải quân Hoa Kỳ đã lỗi thời và thực hiện theo kế hoạch. Chẳng hạn cấu hình của cỗ máy lặn khi xưa cho phép thời gian ở dưới đáy là 35 phút và sẽ sử dụng công thức thời gian lặn “bottom time”.
Theo công thức này chúng ta sẽ lấy 60 – 35 = 25, theo đó trong thời gian dưới nước 35 phút, thợ lặn sẽ căn chỉnh mốc bezel 25 phút so với kim phút. Tức có nghĩa là bạn cần xoay ngược chiều đồng hồ, đưa mũi tên đến vị trí cách kim phút hiện tại là 25 phút, số 35 trên bezel xoay đến đúng vị trí kim phút, rồi bắt đầu lặn. Khi kim phút chạy đến mốc mũi tên tức có nghĩa là đã đến thời gian trồi lên mặt nước. Công thức này dùng cho những trường hợp lặn theo thời gian dự tính hay còn gọi là sử dụng bezel lặn đếm ngược.
Còn một cách sử dụng niềng bezel nữa là đo thời gian trôi qua. Khi không có thời gian cố định để lặn và muốn đo thời gian ở dưới nước thì chúng ta nên dùng cách này. Cách sử dụng cũng khá đơn giản, trước khi lặn chỉ cần xoay mũi tên ngược chiều kim đồng hồ đến kim phút hiện tại và lập tức lặn ngay sau đó. Khi đã lặn xong hãy kiểm tra ngay niềng bezel nhìn xem kim phút chỉ đến vị trí bao nhiêu thì đó là thời gian đã lặn.
3. Mặt kính sapphire trên đồng hồ lặn
Với mục đích nâng cao khả năng chống nước toàn diện nên nghiễm nhiên các mô hình đồng hồ chuyên để lặn phải được trang bị mặt kính sapphire nguyên khối đặc biệt. Khác với những loại thiết kế sử dụng mặt kính tráng sapphire, mặt kính sapphire nguyên khối là chất liệu có độ cứng rất tốt chỉ thua mỗi kim cương và chúng có đặc tính chống trầy xước cao cũng như độ bền bỉ ấn tượng. Chính vì thế trên những mẫu cao cấp, mặt kính sapphire nguyên khối là một bộ phận quan trọng và thường được các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng sử dụng.
Mặt kính sapphire nguyên khối Seamaster AquaTerra Master Chronometer
Về thiết kế, đồng hồ lặn có mặt kính tương đối dày và chúng có hình vòm. Vì sao lại là hình vòm? Mặt kính hình vòm sẽ tăng cường khả năng chống áp suất của đồng hồ và có công dụng cải thiện mức độ dễ đọc của mặt quay số khi ở dưới nước. Ngoài ra trên các mẫu đồng hồ cao cấp chuyên lặn, sẽ có lớp phủ chống phản chiếu giúp tăng cường thêm khả năng hiển thị của đồng hồ lên một mức cao hơn.
4. Lớp vỏ dày với khả năng chống nước tối ưu
Một đặc điểm khác trên các dòng đồng hồ bơi lặn đó là lớp vỏ ngoài dày (thường là làm bằng thép không gỉ) có độ chịu nước cao hơn 100m hoặc 330 feet. 200m là khá bình thường ở hiện nay, trong khi 300m là dành cho thợ lặn và những thợ lặn chuyên nghiệp.
Vòng đồng hồ lặn phải có khả năng chịu nước cực kỳ cao và có khả năng chịu được sự ăn mòn của nước biển vì thế các vật liệu như thép không gỉ, 316L hoặc 904L và các hợp kim thép khác thường được sử dụng, ngoài ra titan, gốm sứ và nhựa tổng hợp hoặc nhựa cao cấp cũng được sử dụng cho những mô hình đồng hồ lặn đời mới. Nếu dây đeo là kim loại, chất liệu cũng sẽ giống với bộ vỏ đồng hồ để tránh bị ăn mòn. Bộ vỏ máy cũng cần phải có đầy đủ khả năng chống lại các tác động và dư chấn từ bên ngoài nhằm bảo vệ bộ chuyển động cơ học bên trong.
Với khả năng chống nước lớn đồng nghĩa là mẫu đồng hồ sẽ lớn hơn và nặng hơn so với những chiếc đồng hồ thông thường. Chính vì vậy thường đồng hồ nam sẽ là sự lựa chọn để các nhà sản xuất chế tạo và tinh chỉnh thành đồng hồ dùng để lặn.
5. Núm vặn
Núm điều chỉnh thường được đặt phía bên phải đồng hồ, đó là chức năng để thay đổi thời gian/ ngày/ thứ và để lên dây cho chiếc đồng hồ tự động hoặc đồng hồ lên dây thủ công. Và trên những mẫu đồng hồ lặn, đây là một tính năng và là một khu vực quan trọng.
Nước có thể đi vào trong đồng hồ từ bất kì vị trí nào được kết nối chẳng hạn như vỏ, nắp lưng và núm điều chỉnh. Mặt kính đồng hồ và nắp lưng thường được niêm phong bằng cách sử dụng miếng đệm nhưng núm điều chỉnh là quan trọng hơn vì nó được sử dụng thường xuyên.
Núm điều chỉnh đồng hồ lặn Rolex Submariner
Để đảm bảo không có nước thâm nhập quanh khu vực núm điều chỉnh, một thiết kế vít sẽ được sử dụng, bằng cách gắn núm vặn điều chỉnh bên trong vỏ máy bằng một số miếng đệm và niêm phong nó lại, nước sẽ không thể thâm nhập vào được.
Như đã nói đặt vít chống nước vào bên trong núm đồng hồ không hẳn là tính năng bắt buộc. Ngay cả khi không có vít vặn, hầu hết đồng hồ đều được trang bị một miếng đậm quanh lớp vỏ xung quanh núm điều chỉnh.
6. Chống từ trường
Một tính năng quan trọng khác thường khó được thấy trên các mẫu đồng hồ thông thường là chức năng chống từ trường trong cơ chế chuyển động. Một chiếc đồng hồ tự động rất nhạy cảm với từ tính. Đừng bao giờ đặt đồng hồ cơ lặn của bạn gần loa, Tv,…các nam châm hút trong các thiết bị có thể từ hóa các thành phần thép bên trong đồng hồ.
Đồng hồ lặn Panerai Luminor với tính năng chống từ trường cao cấp
Điều này lâu dần sẽ làm cho các bộ phận chuyển động thất thường và giảm độ chính xác. Nhưng đối với các thợ lặn chuyên nghiệp, việc tiếp xúc với nhiều thiết bị gắn nam châm sẽ sẽ ảnh hưởng đến đồng hồ, vì thế một chiếc đồng hồ lặn với khả năng chống từ trường thật sự cần thiết.
7. Va chạm/ Chống sốc
Đồng hồ cơ khí và tự động rất dễ bị tổn thương khi va chạm và điều này rất quan trọng đối với những người thợ lặn khi có thể vô tình va đập đồng hồ vào một thứ gì đó. Hàng trăm những bộ phận nhỏ bé có thể bị trật nhịp hoặc rơi xuống tan tành nếu như bị tác động mạnh. Thanh trục cân bằng bánh răng là một trong những bộ phận dễ dàng bị phá vỡ nếu bị tác động mạnh.
Các thợ đồng hồ đã phát triển và cố gắng làm cho chiếc đồng hồ có tính năng giảm sốc tốt nhất. Riêng đối với trục bánh răng cân bằng, một loại lò xo trên jewel của bánh răng cân bằng được sử dụng để hấp thụ các lực tác động lên nó.
Kết quả là đồng hồ tự động hiện đại có khả năng chống va chạm mạnh mẽ hơn so với những mẫu đồng hồ cổ điển.
8. Van xả khí Helium
Do khí helium là phân tử cực nhỏ nên chúng dễ dàng thâm nhập vào trong mặt và bộ phận đồng hồ ngay cả với khu vực nước có áp lực lớn thì chúng cũng có thể len lỏi vào bên trong.
Đồng hồ lặn Omega Seamaster Planet Ocean với van xả khí Helium tại vị trí 10 giờ
Trên mặt đất,
khí helium không ảnh hưởng đến hoạt động của đồng hồ nhưng khi lặn sâu, áp suất thay đổi khiến khí helium tìm cách “thoát ra” khỏi đồng hồ và gây rạn nứt mặt kính. Van xả một chiều giúp khí helium thoát ra khi lặn sâu, bảo vệ đồng hồ lặn.
9. Dây đeo đồng hồ lặn
Dây đeo trên đồng hồ thợ lặn là phần rất quan trọng và thường được làm từ vật liệu có khả năng chịu được áp lực của nước cũng như chịu được sự ăn mòn của nước biển. Về mặt thực tế hầu hết các mô hình đồng hồ lặn thường được trang bị dây đeo từ các chất liệu như cao su, dây silicon, polyurethane (một loại vật liệu độ bền cao và khả năng kháng các tác nhân từ môi trường như: thời tiết, sự oxi hóa,…) hoặc vải, thép không gỉ, titan hoặc dây đeo lưới có độ dài phù hợp để thuận tiện cho việc đeo đồng hồ lên bộ đồ lặn.
ISO 6425 – Tiêu chuẩn cho đồng hồ lặn
Tổ chức tiêu chuẩn ISO hoặc tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế là một tổ chức toàn cầu độc lập sản xuất cho các ngành công nghiệp được sử dụng trên toàn cầu. Nó bao gồm các ngành công nghiệp lớn như kỹ thuật điện, kỹ thuật dân dụng, dầu khí, tài liệu tiêu chuẩn và thậm chí cả đồng hồ lặn.
ISO 6425 là tiêu chuẩn riêng dành cho đồng hồ lặn. Chứng nhận này đồng nghĩa với việc đồng hồ phải tuân theo tất cả các yêu cầu như sau:
– Khả năng chống nước tối thiểu 100m hoặc 330 feet.
– Độ kín nước ở tất cả các khía cạnh (mặt kính, nắp lưng và núm điều chỉnh)
– Sức ép quá tải lên tới 200 kPa
– Vòng quay benzel không theo chiều hướng thời gian lặn
– Dễ xem thời gian khu vực tối, benzel và kim giây phải chạy. Đối với điều này, chức năng dạ quang là tốt nhất
– Kháng từ trường tốt
– Chống sốc
– Kháng nước mặn
Khi đồng hồ lặn có tất cả các yêu cầu này, nó có thể được bán ra thị trường như chiếc đồng hồ theo tiêu chuẩn ISO chứng nhận đồng hồ dành cho thợ lặn. Mặt số được đánh dấu bởi dấu hiệu DIVER’S WATCH X M hoặc DIVER’S X M – thay thế X bằng mức đánh giá độ chống nước. Đây là một xét nghiệm dễ dàng để biết một chiếc đồng hồ có đúng là đồng hồ thợ lặn thật sự hay chỉ là một chiếc đồng hồ có kiểu dáng là đồng hồ lặn.
Độ chống nước đồng hồ
Đồng hồ được phân loại dựa trên độ chống nước của nó:
Lưu ý: Thông số trên bảng và thông số kỹ thuật xuất hiện trên mặt đồng hồ hoặc vỏ đồng hồ thể hiện kết quả của các thử nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm, không phải trong đại dương.
Thương hiệu đồng hồ lặn cao cấp
Đồng hồ lặn là sản phẩm nổi bật cho thương hiệu vì nó tượng trưng cho sự dẻo dai trong khâu sản xuất đồng hồ. Nhưng để có thể tạo nên được những cỗ máy có sự phức tạp trong chi phí thiết kế và nghiên cứu thì chỉ những nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất mới có thể tham gia vào thị trường này. Cũng vì thế mà chi phí cho chiếc đồng hồ lặn khá là tốn kém.
Đồng hồ Omega Seamaster Diver 300M
Nên chọn mua đồng hồ lặn nào? Một điều mà không ai có thể phủ nhận: giá cả luôn đi đôi với chất lượng. Vì thế, điều kiện tiên quyết khi bạn muốn sưu tầm một chiếc đồng hồ lặn chính là tìm đến những mẫu đồng hồ chính hãng. Tin chắc chất lượng và độ bền của những chiếc đồng hồ cao cấp đã qua hàng chục năm dày công nghiên cứu từ những nhà sản xuất đồng hồ uy tín sẽ không thể nào “fake” được. Mặc dù những chiếc đồng hồ lặn chính hãng luôn đòi hỏi một khoản đầu tư không hề khiêm tốn từ khách hàng nhưng sẽ hoàn toàn xứng đáng với giá trị mà nó mang lại.
Rolex Submariner và Sea-Dweller, Omega Seamaster, Jaeger-LeCoultre Deep Sea, Panerai Luminor hay IWC Schaffhausen Aquatimer đều là những tên tuổi có danh tiếng bậc nhất trong giới đồng hồ bơi lặn. Với mức giá thấp nhất trên $4000 và có thể lên đến $34.000, những chiếc đồng hồ đến từ các thương hiệu này dường như chưa bao giờ khiến người hâm mộ thất vọng về thiết kế bên ngoài lẫn cấu tạo bên trong.
Đồng hồ lặn cao cấp Omega
Bên cạnh đó, một vài thương hiệu danh tiếng với những chiếc đồng hồ lặn ở phân khúc giá tầm trung nhưng vẫn được chỉ số chống nước lên đến 300M cũng rất đáng để cân nhắc. Tiêu biểu như TAG Heuer với series Aquaracer; Raymond Well với model Automatic 300m/1000ft Freelancer hay Hamilton Khaki Navy Frogman. Với mức giá trung bình từ $1000 đến $2500, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những chiếc đồng hồ tuyệt vời với khoản đầu tư hợp lý.
Tuy nhiên cũng có một số thương hiệu đầu tư sản xuất đồng hồ lặn ở phân khúc mức giá tầm trung chẳng hạn như đồng hồ Tissot Seastar, đồng hồ Bulova Marine Star,…với kiểu dáng lặn và khả năng chống nước được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên chắc chắn rằng chúng khó có thể bằng một chiếc đồng hồ lặn cao cấp chuyên nghiệp được vì các thương hiệu trên sẽ tinh chỉnh lại và sử dụng những vật liệu chế tác tầm trung cũng như sử dụng năng lượng pin từ đồng hồ quartz chứ không phải là chuyển động cơ học tự động hoặc năng lượng mặt trời như những bộ máy cao cấp khác.
Luxury Shopping Care